Search the Site

Donate

Jericho (Vietnamese)

Mặc dù tàn tích của Giê-ri-cô đã có trước thời đại mà các học giả Kinh Thánh cho là sự tàn phá của nó đã xảy ra, Giê-ri-cô là một trong những khu định cư lâu đời nhất trên thế giới.


A view of Tell es-Sultan
A view of Tell es-Sultan

Giê-ri-cô

Tác giả: Lorenzo Nigro

Dịch sang tiếng Việt: Bùi Kim Thanh, Hội Thần Học Thánh Kinh Việt Nam

 

Giê-ri-cô được nhắc đến hơn một trăm lần trong Kinh Thánh, thường được xem như là biểu tượng của hòa bình và thịnh vượng. Giô-suê 6 là một câu chuyện không xa lạ với độc giả, mô tả Giê-ri-cô là một thành phố Ca-na-an quan trọng mà dân Y-sơ-ra-ên đã chinh phục khi họ đặt chân đến vùng đất hứa.

Trên thực tế, các địa điểm khảo cổ của Tell es-Sultan (địa danh mới của Giê-ri-cô cổ đại), nằm khoảng năm dặm về phía tây bắc của Biển Chết ở thung lũng Jordan Rift, đã cho chúng ta biết rằng vùng đất này là một trong những khu định cư có người liên tục sinh sống lâu đời nhất trong toàn vùng Cận Đông cổ đại. Vào cuối thiên niên kỷ thứ chín T.C.N. Giê-ri-cô là một khu định cư được củng cố canh phòng nghiêm ngặt.  Thành Giê-ri-cô chứng kiến sự ra đời của nông nghiệp và chăn nuôi, lần đầu tiên sử dụng gạch bùn mô-đun kiến trúc xây dựng và phát minh đồ gốm. Mang ý nghĩa quan trọng từ quan điểm về nguồn gốc tôn giáo của nhân loại là các cuộc khai quật tại Giê-ri-cô đã tìm thấy bằng chứng về một đạo thờ ông bà tổ tiên và tôn giáo gia đình đầu tiên: những hộp sọ trát được chôn dưới sàn nhà và hai nhóm tượng đất sét có thể mô tả một gia đình thiêng liêng (một người đàn ông, một người phụ nữ và một đứa trẻ).

Có phải các bức tường thành của Giê-ri-cô đã thực sự sụp đổ?

Các học giả và nhà khảo cổ học Kinh Thánh khám phá ra các di tích vật chất còn sót lại của Giê-ri-cô, mặc dù các di tích này được cho là đã bị hủy diệt theo như câu chuyện trong Kinh Thánh.  Các di tích này là một sử kiện đánh dấu sự xuất hiện của các bộ lạc Y-sơ-ra-ên ở Ca-na-an.

Thật vậy, tàn tích của Tell es-Sultan bao gồm các kiến trúc bằng gạch bùn bị sụp đổ và cháy lớn. Những tàn tích này từng là một thành phố hưng thịnh của người Ca-na-an, được xây dựng từ thời kỳ đầu và giữa thời đại Đồ Đồng Thau (3,000 – 2,000 T.C.N) trên phần còn lại của một khu định cư vào cuối thời kỳ Đồ Đá. Các tàn tích có tuổi lâu đời hơn nhiều so với thời đại khi Giô-sê chinh phục Ca-na-an (nghĩa là sự kết thúc của Cuối thời đại Đồ Đồng Thau, vào khoảng 1,300 T.C.N). Trên thực tế, không có bằng chứng nào kết nối tàn tích của thành phố ấn tượng này với Giê-ri-cô được mô tả trong Giô-suê 6.

Tuy nhiên, thật đáng ngạc nhiên, những dấu tích này xuất hiện trực tiếp trên mặt của gò đất, mang đến cho du khách cảm giác rằng một đám cháy dữ dội chỉ mới được dập tắt gần đây. Chúng ta có thể cảm tưởng rằng, khi tác giả Kinh Thánh đưa Giê-ri-cô vào câu chuyện chinh phục, địa điểm này đã là một đống gạch bị cháy và đổ nát. Những tàn tích này dường như đã chứng minh câu chuyện và do đó được tác giả Kinh Thánh khai thác: mọi người có thể nhìn thấy rằng thành phố Giê-ri-cô đã bị lửa tàn phá dữ dội. Do đó, tác giả đã gán sự kiện này với chuyện dân Do Thái ban đầu đặt chân đến vùng đất hứa.

Có phải Jericho là “thành phố lâu đời nhất trên thế giới”?

Những người đầu tiên định cư tại Giê-ri-cô Tell es-Sultan vào khoảng 10.500 T.C.N., đây là một trong những địa điểm thuộc thời kỳ Đồ Đá cổ xưa nhất ở vùng Fertile Crescent và là một trong những địa điểm định cư liên tục và lâu đời nhất trong lịch sử loài người. Vào thời kỳ tiền Đồ Đá, Giê-ri-cô đã phát triển từ một nông thôn làng, do đó, vào thời kỳ tiền Đồ Gốm (8.500 – 6.000 T.C.N.), nó trở thành một khu định cư lớn, có tổ chức rộng khoảng 2 ½ hà được củng cố bởi một bức tường và tháp canh bằng đá cao 8 mét. Các học giả đã đưa ra nhiều lý thuyết khác nhau để giải thích chức năng của bức tường của Giê-ri-cô (đây là bức tường thành và tháp canh lâu đời nhất của vùng Cận Đông).  Nhưng bất kể mục đích của các cấu trúc ấn tượng này là gì, bức tường và tháp canh là chứng cớ của một tổ chức và sự động viên một cộng đồng lớn.

Sau một khoảng cách trong thời kỳ Đồ Đồng Đỏ/Chalcolithic (thiên niên kỷ thứ 4 T.C.N.), Giê-ri-cô một lần nữa được xây dựng lại thành một trung tâm lớn trong những niên kỷ đầu tiên của Thời đại Đồ Đồng Thau. Vào đầu thiên niên kỷ thứ ba T.C.N., khu định cư này được củng cố bằng một bức tường thành cao lớn xây bằng gạch bùn được nối tiếp và mở rộng với một bức tường bên ngoài và nhiều chòi quan sát và tháp canh. Một ngôi đền và một lâu đài cũng được xây dựng, kiến trúc có ấn tượng của thành phố. Trong thiên niên kỷ thứ hai T.C.N., Giê-ri-cô đã trở nên một thành trì của những người cai trị Ca-na-an có mối liên hệ chặt chẽ với các pha-ra-ôn Ai Cập thời kỳ Trung Cấp thứ hai. Trên thực tế, người ta tìm thấy một cái bùa trang sức hình con bọ hung mang một dòng chữ tượng hình với một tiêu đề tiếng Ai Cập từ thời kỳ này kết nối với tên Ca-na-an của thành phố: Ru-ha.

  • Lorenzo Nigro

    Lorenzo Nigro is professor of Near Eastern archaeology and coordinator of the Oriental Section of the Department of Sciences of Antiquities of Rome “La Sapienza” University. He is a field archaeologist in Levantine and Mediterranean archaeology and directs excavations in Sicily, Jordan, and ancient Jericho. He has published extensively on Levantine, Phoenician, Mesopotamian, and Egyptian archaeology and history of art. Currently, he coordinates a project on the use of drones, sensor nodes, and 3D simulators in archaeology.