Search the Site

Donate

How Did Scribes and the Scribal Tradition Shape the Hebrew Bible (Vietnamese)

Các thầy thông giáo Cận Đông cổ đại đã sống và làm việc trong một nền văn hóa là nơi mà các bản văn chủ yếu được lưu truyền bằng miệng/nghe, điều này giúp giải thích các biến thể trong các hình thức khác nhau của Kinh Thánh.


Qumran Rule of Community

Các Thầy Thông Giáo Và Truyền Thống Thông Giáo Đã Sắp Xếp Kinh Thánh Hê-Bơ-Rơ Như Thế Nào?

Ian Werrett (Bùi Kim Thanh phiên dịch)

Các thầy thông giáo của Do Thái cổ đại là những người biết chữ; họ là một thành phần thiểu số rất nhỏ trong một nền văn hóa cực kỳ mù chữ, một nền văn hóa được dựa trên truyền khẩu. Chính những thầy thông giáo này đã đưa truyền thống truyền khẩu của người dân của họ vào văn bản; họ là những người đã biên tập những câu chuyện riêng biệt ra thành sách, và họ cũng là những người đã sáng tác những tác phẩm mới. Một số các thầy thông giáo có lẽ thuộc về giai cấp thầy tế lễ, là thành phần của một bộ tộc không sở hữu đất đai, và cũng là những người có thời gian và khả năng để tham gia vào các hoạt động văn học. Những thầy thông giáo khác như người lo việc lưu giữ hồ sơ, “nhà sử học,” và người viết công văn trong các cung điện hoàng gia và trung tâm hành chính đô thị, được làm thành viên liên kết với các hiệp hội chuyên nghiệp.

Học giả ngày nay không có cùng quan điểm về sự hiện hữu của các trường phái thông giáo Do Thái trong Thời đại Đồ sắt (1200 – 539 B.C.E.).  Vào giữa thế kỷ thứ tám và thứ sáu B.C.E. các mẫu thư tín và hệ thống chữ viết Hê-bơ-rơ được tiêu chuẩn hóa; biến chuyển này có lẽ đã phát sinh ra sự mã hóa các quy tắc và nguyên tắc ngôn ngữ mà các thầy thông giáo sau đó đã học được. Các tổ chức cai trị trong nước và các thầy tế lễ trong Đền Thờ đã hỗ trợ việc giáo dục các thầy thông giáo Do Thái cổ đại; tuy nhiên, một số nghệ thuật về kinh văn có thể đã được giáo huấn trong một số ít gia đình.

Ngay cả sau khi một số kinh văn đầu tiên của Kinh Thánh đã được thành hình (có lẽ ở thế kỷ thứ tám đến thế kỷ thứ bảy B.C.E.), truyền khẩu vẫn là phương tiện chính để truyền tải tài liệu mà sau này những tài liệu đó đã làm thành Kinh Thánh Hê-bơ-rơ.  Thật ra, truyền thống truyền khẩu vẫn tiếp tục được người Do Thái cổ đại dùng làm phương tiện chủ yếu khi họ tiếp cận “Kinh Thánh” trong suốt thời kỳ thánh kinh và sau đó. Đại đa số người Do Thái cổ đại không đọc kinh văn, họ chỉ nghe người khác đọc. Tỷ lệ biết chữ ở vùng Cận Đông cổ đại, bao gồm cả Do Thái, cực kỳ thấp, chiếm từ 5 đến 15% tổng dân số, với các trung tâm đô thị trung bình có tỷ lệ phần trăm cao hơn. Những người biết chữ và các thầy thông giáo đa phần là nam giới thuộc tầng lớp thượng lưu của kinh tế xã hội và các từng lớp xã hội, tuy nhiên, các văn bản tìm thấy được ở vùng Lưỡng Hà cổ đại và Ai Cập cho chúng ta biết rằng phụ nữ—con gái của các thầy thông giáo hay thành viên của tùy viên hoàng gia đôi khi cũng làm những công việc về thông giáo.

Các thầy thông giáo Do Thái cổ đại có nhiều cơ hội để tiếp xúc với các đối tượng có học thức từ các nền văn hóa khác; họ tiếp xúc các các thương nhân để trao đỗi hàng hóa cũng như để tương tác đối thoại về những câu chuyện lịch sử.  Các thầy thông giáo cũng tiếp xúc với các nhân vật trong tổ chức quân sự và quan chức cai trị ở nước ngoài cũng như ở trong nước.  Những tương tác đối thoại này là phương tiện để họ tiếp cận những khái niệm chung và những truyền thống ngôn ngữ của nguyên cả vùng Cận Đông cổ đại. Một số chuyện thần thoại, truyền thống, luật pháp và truyền thuyết ngoại Do Thái đã được tích hợp vào truyền thống của người Do Thái. Nhưng khi bản sắc và niềm tin của người Do Thái cổ bắt đầu trở nên đậm nét hơn trong các thế kỷ ngay trước khi thời kỳ lưu đày Ba-by-lôn, các thầy thông giáo Do Thái bắt đầu bỏ nhiều thời gian hơn để xác định nguồn gốc dân tộc và truyền thống tôn giáo của họ đối với các nền văn hóa lân cận. Xu hướng này nỗi bật nhất trong thời kỳ lưu đày Ba-by-lôn (586-538 B.C.E.), khi phần lớn thành phần ưu tú của Do Thái, bao gồm cả các thầy thông giáo, bị buộc phải di dời đến Ba-by-lôn. Nhiều học giả ngày nay tin rằng hầu hết các sách trong Kinh Thánh đã được sáng tác và chỉnh sửa trong nhiều thập kỷ và thế kỷ sau khi thời kỳ lưu vong 586 B.C.E. Tuy nhiên, mặc dù nhiều tác phẩm trong số các sách này này liên quan đến việc duy trì sự khác biệt về sắc tộc và tôn giáo của người Do Thái cổ, họ cũng thể hiện nhiều điểm tương đồng về văn hóa và thần học với các nước láng giềng A-si-ri-a, Ba-by-lôn, Ba Tư và Hy Lạp.

Các Cuộn Sách Biển Chết cho chúng ta bằng chứng tốt nhất về những hoạt động sao chép của Do Thái giáo cổ đại và mối liên hệ của những hoạt động này với Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Được phát hiện bắt đầu từ năm 1947 và có niên đại từ khoảng 250 B.C.E. đến 68 C.E., Các Cuộn Sách Biển Chết ở Qum-ran bao gồm các bản sao của tấc cả các sách trong Kinh Thánh, ngoại trừ Es-the, và nhiều bản sao và phiên bản của một số sách nhất định như Thi Thiên, Phục-truyền Luật-lệ Ký và Ê-sai. Khoảng 220 trong số 980 cuộn sách được phục hồi từ các hang động dọc theo bờ biển phía tây bắc của Biển Chết thuộc “kinh văn,” nghĩa là những cuộn sách đó là bao gồm những đoạn kinh văn của Kinh Thánh Hê-bơ-rơ. Mặc dù nhiều bản kinh văn viết tay này gần giống với các bản văn phụ âm sau này trở thành tiêu chuẩn trong Do Thái giáo (bản Masoretic), những bản văn khác lại chuyển hướng một cách rất khác biệt (những bản này giống với bản tiếng Hê-bơ-rơ mà bản Septuagint, Kinh Thánh Hy Lạp đầu tiên, đã dùng làm bản gốc để dịch sang tiếng Hy Lạp). Tuy rằng các thầy thông giáo là người đã viết Các Cuộn Biển Chết, nhưng họ không phải là “tác giả” (theo ý nghĩa hiện đại của từ “tác giả”); họ chịu trách nhiệm viết, sao chép và chỉnh sửa. Chúng ta không biết rõ mức độ tự do và chủ động của họ khi họ sao chép và truyền tải một văn bản, nhưng ít nhất họ cũng đã bảo tồn những sự khuếch trương của những người khác, tiếp cận những vấn đề mà các văn bản đã im lặng, nêu rõ các ý tưởng thần học mới, hoặc kết hợp lại các điều khoản luật lệ nằm nhiều chổ khác nhau trong các kinh sách. Cho đến hết thời đại của thiên niên kỷ đó, các thầy thông giáo của Các Cuộn Biển Chết và các cộng đoàn liên quan của họ đã sống trong một thời đại mà họ được tự do đổi mới. Tuy nhiên, lúc đó Kinh Thánh Hê-bơ-rơ vẫn còn ở trong một hình thức chưa được hoàn chỉnh.

Sự thật là các thầy thông giáo, biên tập viên, và nhà sao chép đã không kết hợp chặt chẽ với “tính chất xác thực,” hoặc với quan niệm rằng độ chính xác của từng mỗi chữ duy trì sự linh thiêng của một bản văn.  Cách sao chép này tạo nên vô số các khác biệt trong các nguồn tài liệu ban đầu, mà sau này chúng ta biết đến là “Kinh Thánh.” Điều này giải thích tại sao bản tiếng Hê-bơ-rơ của Sáng-thế Ký 2:2 chép rằng “Đức Chúa Trời nghỉ vào ngày thứ bảy,” trong khi bản Septuagint và các phiên bản cổ khác (Samaritan và Peshitta) phản ánh một văn bản gốc nào đó đã chép rằng “Chúa đã nghỉ vào ngày thứ sáu.” Tương tự, bản Masoretic Text của Xuất Ê-díp-tô Ký 1:5 chép rằng 70 hậu duệ của Gia-cốp đã đi xuống Ai Cập, trong khi bản Septuagint, hai mảnh Các Cuộn Biển Chết và một số bản văn khác lại chép rằng có 75 hậu duệ. Trong hầu hết các phiên bản của Ê-sai 6:2, từ “thánh thay,” được tìm thấy ba lần, nhưng cuộn sách Ê-sai từ Qum-ran chỉ có hai lần: Thánh thay, thánh thay là Đức Giê-hô-va vạn quân! So sánh một cách cẩn thận các bản kinh văn cổ tương quan sẽ cho chúng ta thấy hầu hết câu Kinh Thánh nào cũng có nhưng những khác biệt nho nhỏ.  Điều này nói lên rằng các người sao chép trong thời kỳ Đền Thờ Thứ Nhì đã không xem mình như là máy Xerox hay tin rằng họ phải sao chép một cách chính xác và rõ ràng chi tiết.

Phương cách sao chép không chính xác này, cho dù trong trường hợp của các phiên bản khác nhau hoặc các từ khác nhau, hoàn toàn có thể sinh ra từ nguồn gốc văn hóa truyền miệng, nền văn hóa này đã làm nên Kinh Thánh. Trong hầu hết các nền văn hóa như vậy, không ai bị đòi hỏi là phải ghi nhớ bản văn một cách chính xác, và người sao chép có quyền tự do để chuyển đổi các yếu tố của câu chuyện, để tô điểm, để điều chỉnh độ dài của bối cảnh cụ thể, và chắc chắn để diễn giải. Điều này có thể giải thích lý do tại sao ngay cả sau khi được viết ra, “các bản kinh văn” lại đượm tính chất linh hoạt về nội dung và cách diễn đạt nhiều hơn là chúng ta nghỉ. Thật vậy để chứng minh điều này, chúng ta thậm chí có thể lấy các ví dụ từ Các Cuộn Biển Chết, chẳng hạn như Genesis Apocryphon và Jubilees, các phiên bản này phỏng dịch và viết lại “Kinh Thánh” một cách rất thoáng đạt. Hai ví dụ này cũng phản ánh một môi trường cực kỳ linh hoạt, và trong môi trường này các văn bản trở thành Kinh Thánh.

Ngay cả sau khi tuyển tập sách đã hình thành ra Kinh Thánh (kinh điển) bắt đầu ổn định, phiên bản của mỗi sách vẫn giữ nguyên các khác biệt của nó. Điều này không đáng ngạc nhiên vì trong thế giới Cận Đông cổ đại, các phiên bản khác nhau của những tác phẩm quan trọng thường được lưu hành giữa các cộng đoàn khác nhau. Những khác biệt đó là sự phản ánh của các truyền thống truyền khẩu đa dạng và của sự diển giải của các truyền thống thông giáo.

  • Ian Werrett

    Ian Werrett is associate professor of religious studies and director of the Spiritual Life Institute at Saint Martin’s University in Lacey, Washington. He specializes in the Hebrew Scriptures, the Dead Sea Scrolls, ancient Judaism and early Christianity. Werrett is the author of Ritual Purity and the Dead Sea Scrolls (Brill Academic, 2007).